Cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ của nhân dân ta đã lùi xa đúng nửa thế kỷ, nhưng ký ức hào hùng và bi tráng về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 không thể phai mờ trong tâm trí của bao thế hệ người dân Việt Nam. Đại thắng mùa Xuân năm 1975 trở thành mốc son lịch sử dân tộc Việt Nam, có ý nghĩa rất quan trọng. Đây là thắng lợi vĩ đại nhất, kết thúc cuộc chiến tranh lâu dài, gian khổ và hi sinh, giành độc lập tự do cho đất nước, đem lại quyền làm chủ cho Nhân dân.
Trải qua 50 năm qua tiếp nối truyền thống hào hùng, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân trong tỉnh đã đoàn kết, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, phát huy tối đa các nguồn lực, đổi mới công tác lãnh đạo, điều hành, khắc phục khó khăn, thách thức, tập trung triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị đạt được nhiều kết quả quan trọng, nổi bật, ấn tượng và khá toàn diện trên các lĩnh vực...; giải quyết tốt các vấn đề bức xúc trong xã hội, trong doanh nghiệp và Nhân dân, tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của người dân. Đặc biệt, công tác xây dựng, chỉnh đốn đảng, hệ thống chính trị được chú trọng, thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện với quyết tâm cao và đạt nhiều kết quả rõ rệt. Công tác đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực đạt nhiều kết quả tích cực. Thường xuyên đổi mới công tác cán bộ, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng. Đề cao trách nhiệm của cấp ủy, sự gương mẫu của cấp trên và người đứng đầu các cấp; phát huy dân chủ, tăng cường đoàn kết, thống nhất trong Đảng bộ; sự đồng tình, ủng hộ của Nhân dân. Từ đó góp phần ổn định chính trị, xã hội, quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Tiền Giang lần thứ XI xác định “Xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh; Nâng cao niềm tin trong Nhân dân; Đổi mới sáng tạo; Đảm bảo Quốc phòng, An ninh; Phấn đấu đến năm 2025 Tiền Giang trở thành tỉnh phát triển trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam”. Tiếp tục khơi dậy, phát huy ý chí, khát vọng vươn lên của Nhân dân,... gắn kết chặt chẽ và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, trong đó phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên; kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa - xã hội và bảo vệ tài nguyên, môi trường; huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực; khai thác và phát huy cao nhất tiềm năng, lợi thế, nhất là điều kiện tự nhiên, bản sắc văn hóa, con người Tiền Giang. Năm 2024 mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Tiền Giang đã xác định đây là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng quyết định đến việc hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Ngay từ đầu năm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương triển khai đồng bộ các nhiệm vụ trọng tâm trên từng lĩnh vực, đạt nhiều kết quả tích cực.
Tình hình phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà tiếp tục được điểm tô bằng những con số ấn tượng, nhất là tốc độ tăng trưởng GRDP tăng 7,02%; thu nhập bình quân đầu người 76,4 triệu đồng; thu ngân sách đạt 133,9%; kim ngạch xuất khẩu đạt 120%; giải ngân vốn đầu tư công đạt 100% (tỉnh ta thuộc nhóm những địa phương có tỷ lệ giải ngân cao nhất của cả nước); tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025) giảm còn 0,79%,… Đồng thời, các dự án của Trung ương đầu tư trên địa bàn tỉnh được triển khai thực hiện tốt, đảm bảo lộ trình theo kế hoạch, như Dự án Cống Nguyễn Tấn Thành, kinh Chợ Gạo giai đoạn 2, cầu Rạch Miễu 2, cao tốc An Hữu - Cao Lãnh. Việc xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành chỉ tiêu đề ra. Tính đến nay, toàn tỉnh có 135/135 xã, 8/8 huyện nông thôn mới, 3 thành phố, thị xã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Ngoài ra, các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao và du lịch tiếp tục có bước phát triển; an sinh xã hội đảm bảo, đời sống nhân dân ngày càng nâng cao. Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; trong đó, tội phạm về trật tự xã hội giảm, tạo môi trường ổn định cho phát triển kinh tế - xã hội.
Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác triển khai, quán triệt kịp thời, nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương. Công tác xây dựng Đảng về đạo đức luôn được đề cao, coi trọng. Các cấp ủy, tổ chức đảng tập trung lãnh đạo thực hiện công tác giáo dục đạo đức cách mạng, nâng cao ý thức tu dưỡng, rèn luyện, chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng, “lợi ích nhóm”, những biểu hiện suy thoái, gắn với đẩy mạnh việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và các quy định của Trung ương về xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; quán triệt thực hiện tốt những điều đảng viên không được làm; triển khai thực hiện Quy định số 144-QĐ/TW ngày 09/5/2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới; các cấp ủy, cán bộ, đảng viên, người đứng đầu chú trọng thực hiện các quy định về nêu gương, chỉ đạo tổ chức thực hiện nghiêm túc việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII), kết luận Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị,…
Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh được các cấp ủy, tổ chức đảng chú trọng. Việc củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên đạt kết quả tích cực. Công tác tạo nguồn, kết nạp đảng viên mới được quan tâm chỉ đạo. Số lượng, chất lượng đảng viên mới kết nạp tăng hàng năm, cơ bản đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, bảo đảm sự kế thừa và phát triển, góp phần nâng cao năng lực, sức chiến đấu của tổ chức đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Các cấp ủy, tổ chức đảng lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, thực hiện kịp thời các chủ trương, nghị quyết của Đảng về công tác cán bộ, gắn với đồng bộ hóa và triển khai, thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, Nhà nước về kiểm soát quyền lực trong cán bộ. Thực hiện tốt việc sắp xếp lại đội ngũ cán bộ theo vị trí việc làm, phù hợp với trình độ chuyên môn của từng cán bộ. Chú trọng nâng cao bản lĩnh chính trị, tính chuyên nghiệp, tinh thần phục vụ Nhân dân.
Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng có nhiều chuyển biến rõ rệt và đạt được những kết quả quan trọng, toàn diện, góp phần giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương, giữ vững sự đoàn kết, nhất trí trong Đảng. Kết quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng đã thể hiện nhất quán quan điểm “nói đi đôi với làm”, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, được cán bộ, đảng viên và Nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá tích cực.
Bước vào kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, tỉnh Tiền Giang xác định định hướng chiến lược là phát triển nhanh và bền vững, trên nền tảng chuyển đổi mô hình tăng trưởng, đổi mới sáng tạo và ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ.
Để thực hiện thắng lợi mục tiêu cùng cả nước đạt mức tăng trưởng năm 2025 đạt 8% trở lên, tạo nền tảng vững chắc để đạt tốc độ tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026 - 2030, tỉnh Tiền Giang đã xây dựng kế hoạch thực hiện chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 của tỉnh như sau: GRDP đạt 8% trở lên; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 7,0 tỷ USD; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 57.350 tỷ đồng; cơ cấu kinh tế tiếp tục phát triển, trong đó: khu vực nông, lâm, ngư nghiệp chiếm 35,8%; khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 28,8%; khu vực dịch vụ chiếm 35,4%.
Tỉnh tập trung phát huy tối đa lợi thế về vị trí địa lý, hạ tầng giao thông và tiềm năng nông nghiệp để thu hút đầu tư, phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn như công nghiệp chế biến nông sản, công nghiệp phụ trợ, logistics, thương mại - dịch vụ chất lượng cao và du lịch sinh thái. Nông nghiệp được định hướng phát triển hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, hình thành vùng nguyên liệu tập trung gắn với chuỗi giá trị, nâng cao thu nhập cho nông dân.
Về xã hội, tỉnh đẩy mạnh giảm nghèo bền vững, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chăm lo an sinh xã hội, phát triển giáo dục - y tế và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống. Trong công tác xây dựng chính quyền, tỉnh kiên trì cải cách hành chính, xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ.
Trong giai đoạn phát triển bứt phá, tăng tốc hiện nay, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đặt ra là rất nặng nề, đan xen cả thuận lợi và khó khăn, thời cơ và thách thức. Phát huy tinh thần của Đại thắng mùa Xuân năm 1975, với khát vọng vươn lên mạnh mẽ, với quyết tâm, khí thế, niềm tự hào của người dân Tiền Giang, Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân trong tỉnh tiếp tục kế thừa và phát huy kết quả đã đạt được trong thời gian qua; phát huy truyền thống cách mạng, tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo, đồng lòng vượt qua khó khăn, thử thách, tiếp tục đóng góp công sức, trí tuệ phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, xây dựng tỉnh Tiền Giang năng động, phát triển nhanh và bền vững, vì bình yên, hạnh phúc của Nhân dân.